23.09.1945 - 23.09.2020
Nam bộ khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ngày 25-8-1945. Chỉ 28 ngày sau, quân viễn chinh Pháp theo chân quân Anh (vào miền Nam giải giáp quân Nhật sau khi Nhật đầu hàng), đã đánh chiếm các cơ sở quan trọng của chính quyền cách mạng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai.
Thực tế thế nào?
Đúng là khi quân dân Nam bộ đứng lên khởi nghĩa, vũ khí trong tay chỉ có tầm vông vạt nhọn, một số súng lửa, súng trường cũ lấy được của quân Pháp, Nhật. Còn quân Pháp thì được trang bị vũ khí tối tân, tàu chiến, xe bọc thép, xe tăng, tàu bay các loại... tức lực lượng tinh nhuệ của đội quân viễn chinh nhà nghề.
Tiến đánh Sài Gòn thực dân Pháp muốn tái diễn kịch bản của một thế kỷ trước, chiếm miền đất trù phú, đông dân này để làm bàn đạp thôn tính cả Việt Nam, cả Đông Dương. Thế nhưng chúng đã lầm. Nam bộ của Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945 đã hoàn toàn chuyển đổi về chất: Từ thân phận người dân nô lệ đã thành người chủ đất nước, dù chỉ hưởng Độc lập non một tháng, nhưng những con người Việt Nam ở Nam bộ đó đã sẵn sàng nối tiếp gương anh hùng liệt sĩ ngàn xưa, xả thân cứu nước, sẵn sàng hy sinh giữ "Lời thề độc lập" mà họ đã cùng nhau thét vang tại quảng trường thành phố Sài Gòn ngày 2-9-1945.
Ngay trong đêm 22-9-1945, quân dân tự vệ Sài Gòn - Chợ Lớn đã quyết liệt đánh trả quân xâm lược. Sau khi "Lời kêu gọi kháng chiến" của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ được truyền đi, nhân dân thành phố đã thực hiện "Vườn không nhà trống", biến Sài Gòn thành một thành phố không điện, không nước, không chợ búa... Quân dân Sài Gòn đã hình thành 4 mặt trận bao vây nội đô: Mặt trận Thị Nghè, Mặt trận Bà Điểm - Tham Lương, Mặt trận Phú lâm, Mặt trận Nhà Bè - Cần Giuộc... Thực hiện phương châm "Trong đánh ngoài vây", đội quân trang bị thô sơ đó đã không "chạy như vịt", mà đã làm đội quân viễn chinh nhà nghề Pháp phải điên đảo suốt hơn một tháng trong vòng vây của dân quân cách mạng. Nhà báo Trần Tấn Quốc đã ghi lại tình hình Sài Gòn lúc đó trong tác phẩm "Saigon, Septembre 1945": "Dân quân đã bắt đầu thực hiện chiến thuật khi ẩn lúc hiện, đột nhập thình lình để phá hoại chớp nhoáng và lập tức rút lui trong im lặng. Người ta có thể ví lối đánh này là một chiến thuật "xuất quỷ nhập thần"... Xế chiều 24-9, một đội quân tiến theo đường Verdun (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), tràn xuống trung tâm Sài Gòn, chiếm chợ Bến Thành, kéo thẳng đến đại lộ Bonard (nay là đường Lê Lợi), xả súng bắn. Mặt khác, nhiều đội dân quân vượt kênh Tàu Hủ, đổ bộ lên Sài Gòn, tiến thẳng về đại lộ De La Somme (nay là đường Hàm Nghi)... Người ta nghe tiếng súng nổ khắp nơi... Ở xa xa nhiều đám cháy ngùn ngụt, đỏ trời"... (Trần Tấn Quốc, "Saigon, Septembre 1945", Sđd, trang 58). Trận Thị Nghè nổi tiếng là một chiến thuật lấy yếu đánh mạnh: Dân quân du kích núp trên cành cây dày đặc trên đường Thị Nghè - Hàng Xanh, bất ngờ nhảy xuống tập kích diệt một số quân địch đang mò ra phá vòng vây, khiến địch bất ngờ hoảng loạn kéo chạy, bỏ lại cả súng đạn... 75 năm đã trôi qua kể từ ngày 23-9-1945. Chúng ta học được gì từ sự kiện lịch sử ấy?
NGUYỄN TRỌNG XUẤT, Phó Chủ tịch Thường trực CLB Truyền thống kháng chiến TpHCM
|
Các bài khác
- NGÀY HỘI "AN TOÀN GIAO THÔNG" NĂM 2020 (21.09.2020)
- NGÀY HỘI "AN TOÀN GIAO THÔNG" NĂM 2020 (19.09.2020)
- HỘI NGHỊ UỶ BAN HỘI QUẬN MỞ RỘNG QUÝ 3 - 2020 (17.09.2020)
- HỘI NGHỊ UỶ BAN HỘI QUẬN MỞ RỘNG QUÝ 3 - 2020 (17.09.2020)
- LỄ CHÀO CỜ - TÔI YÊU TỔ QUỐC TÔI (16.09.2020)