Đề cương tuyên truyền cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021

Đăng lúc: Thứ ba - 12/04/2016 02:55 - Đã xem: 2161 lần.

 Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố khóa IX và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tiến hành vào ngày 22 tháng 5 năm 2016.

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CUỘC BẦU CỬ

Cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là sự kiện chính trị to lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước, được tổ chức trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra thành công tốt đẹp; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Công cuộc đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang thu được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh quốc tế và khu vực có những thuận lợi và khó khăn đan xen; các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới của Nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân theo Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã và đang đặt ra các yêu cầu mới cao hơn đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp lần này được Đảng, Quốc hội, Chính phủ xác định là nhiệm vụ công tác trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm 2016; là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân để lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại diện cho Nhân dân cả nước tại Quốc hội; các đại biểu đại diện cho Nhân dân địa phương tại hội đồng nhân dân các cấp, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Cuộc bầu cử có ý nghĩa trọng đại:

- Là ngày hội lớn của toàn dân thực hiện cuộc vận động chính trị và sinh hoạt dân chủ sâu rộng, trực tiếp lựa chọn những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan quyền lực nhà nước địa phương.

- Là sự kiện chính trị lớn, quan trọng của đời sống xã hội đất nước và Thành phố trong năm 2016, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Thành phố, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Là sự thể hiện bản chất dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa nước ta, tính nhân dân sâu sắc của Nhà nước ta thông qua mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhân dân với Nhà nước mà việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp trực tiếp biểu hiện.

Với tầm quan trọng to lớn như vậy, quá trình tiến hành phải bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm để cuộc bầu cử hoàn thành thắng lợi.

II. QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

1. Vị trí, vai trò của Quốc hội

- Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện.

- Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

- Quốc hội nước ta đã liên tục trải qua 13 khóa hoạt động phục vụ Nhân dân, đóng góp to lớn vào những thắng lợi đất nước hơn 70 năm qua. Trong công cuộc đổi mới, Quốc hội đã nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, nhất là khi nước ta hội nhập quốc tế; và trước tình hình hiện nay, tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới cao hơn đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIV.

2. Vị trí, vai trò của hội đồng nhân dân

- Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của hội đồng nhân dân.

- Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu hội đồng nhân dân do cử tri địa phương bầu ra.

3. Vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội

- Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

- Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

- Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội.

4. Vị trí, vai trò của đại biểu hội đồng nhân dân

- Đại biểu hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

5. Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân

- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân.

- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân.

6. Số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân

- Tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIV không quá 500 người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội.

- Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố khóa IX được bầu là 105 đại biểu.

- Số lượng đại biểu hội đồng nhân dân cấp quận, huyện được bầu không quá 45 đại biểu.

- Số lượng đại biểu hội đồng nhân dân phường, xã, thị trấn được bầu không quá 35 đại biểu.

III. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CẦN NẮM VỮNG VÀ THỰC HIỆN ĐỂ PHÁT HUY DÂN CHỦ TRONG CUỘC BẦU CỬ

1. Về nguyên tắc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta:

- Phổ thông (hay còn gọi là phổ thông đầu phiếu), là nguyên tắc nhằm đảm để công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

Nhà nước bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân trong ngày bầu cử: Ngày bầu cử là ngày chủ nhật 22 tháng 5 năm 2016, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ấn định và công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử; các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập công khai, có sự tham gia của đại diện các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức có liên quan; việc bỏ phiếu bắt đầu từ 07 giờ sáng đến 19 giờ trong ngày; công dân cư trú thường xuyên hoặc tạm trú đều được ghi tên vào danh sách cử tri; danh sách cử tri được niêm yết công khai chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử; danh sách những người ứng cử cũng được lập và được niêm yết công khai chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử để cử tri tìm hiểu và lựa chọn; việc kiểm phiếu được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.

- Bình đẳng là nguyên tắc nhằm bảo đảm để mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau khi tham gia bầu cử; thể hiện trên các điểm sau: Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi cư trú; mỗi người chỉ được ghi tên ứng cử, tự ứng cử ở một đơn vị bầu cử; mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu.

- Trực tiếp là nguyên tắc bảo đảm cho cử tri trực tiếp thể hiện ý chí của mình qua phiếu bầu, trực tiếp bầu ra đại biểu của mình mà không qua một cấp đại diện cử tri; thể hiện qua các quy định: Cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ phiếu vào thùng phiếu; trường hợp không thể tự viết phiếu bầu có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu, người viết hộ phải giữ bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri khuyết tật không tự bỏ phiếu bầu có thể nhờ người khác bỏ phiếu vào thùng phiếu; trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang thùng phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

- Bỏ phiếu kín là nguyên tắc nhằm đảm bảo khách quan trong việc lựa chọn của cử tri. Phiếu bầu của cử tri được bảo đảm bí mật, khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri; cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào thùng phiếu.

- Nguyên tắc bỏ phiếu

+ Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp hội đồng nhân dân.

+ Cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.

+ Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào thùng phiếu.

+ Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang thùng phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì tổ bầu cử mang thùng phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

+ Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên tổ bầu cử.

+ Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.

+ Khi cử tri bỏ phiếu xong, tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.

+ Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.

2. Về cử tri theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân

2.1. Nguyên tắc lập danh sách cử tri

- Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp khác quy định theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

- Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố; quận, huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.

- Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố; cấp quận, huyệnk cấp phường, xã, thị trấn (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú) hoặc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố; cấp quận, huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).

- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2.2. Những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri

- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

- Người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri theo quy định tại Điều 29 của Luật này.

- Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp phường, xã, thị trấn nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố; cấp quận, huyện; cấp phường, xã, thị trấn; những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp phường, xã, thị trấn mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố; cấp quận, huyện.

- Cử tri được quy định tại khoản 5 Điều 29 của Luật này, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố; cấp quận, huyện; cấp phường, xã, thị trấn hoặc được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố; cấp quận, huyện.

- Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

2.3. Thẩm quyền lập danh sách cử tri

- Danh sách cử tri do ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn lập theo từng khu vực bỏ phiếu.

- Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập theo đơn vị vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu nơi đơn vị đóng quân. Quân nhân có hộ khẩu thường trú ở địa phương gần khu vực đóng quân có thể được chỉ huy đơn vị cấp giấy chứng nhận để được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Khi cấp giấy chứng nhận, chỉ huy đơn vị phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại đơn vị vũ trang nhân dân bên cạnh tên người đó cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi cư trú”.

 

2.4. Niêm yết danh sách cử tri

- Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra.

2.5. Khiếu nại về danh sách cử tri

Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

 2.6. Bỏ phiếu ở nơi khác

Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn nơi mình, đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố khóa IX và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 thành công sẽ là một thắng lợi của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Để góp phần vào thắng lợi đó, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân Thành phố phải ra sức chuẩn bị và tiến hành cuộc bầu cử, nhất là thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, bảo đảm cho cuộc bầu cử được tiến hành thực sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân./.

 TIỂU BAN TUYÊN TRUYỀN

 

Tin tức mới

Phim tư liệu

Phim tư liệu về ngày thành lập Đoàn

Hình Ảnh

Ra quân các chiến dịch tình nguyện hè 2016 Tổng kết CDTN Hoa phượng đỏ Phổ cập bơi dành cho thiếu nhi Trại rèn luyện bậc 1

Mạng xã hội