Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 75 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2016)

Đăng lúc: Thứ năm - 28/04/2016 01:11 - Đã xem: 5857 lần.

 Năm 2016 đánh dấu chặng đường lịch sử 75 năm vẻ vang của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và thiếu nhi Việt Nam, công tác Đội và phong trào thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh được chọn với chủ đề “Tự hào trang sử Đội, vững bước tiến lên Đoàn”. Đây là dịp để mỗi thiếu nhi, Đội viên nhìn lại lịch sử hào hùng của Đội TNTP Hồ Chí Minh, đồng thời, là cơ hội để các em thể hiện vai trò là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, làm tốt 5 điều Bác Hồ dạy, kế thừa và phát huy truyền thống Đội TNTP, tiếp bước lên Đoàn, xây dựng thành phố và đất nước. Nhằm mục đích giúp các thiếu nhi, đội viên hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, về những thành tích mà đội viên thiếu nhi cả nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đạt được qua các phong trào công tác Đội, về những gương anh hùng nhỏ tuổi, Hội đồng Đội Thành phố giới thiệu đến các em đội viên thiếu niên thành phố những nội dung chủ yếu về quá trình hình thành, xây dựng tổ chức Đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh, kỷ niệm 75 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. (15/5/1941 – 15/5/2016).

 I. SỰ RA ĐỜI CỦA ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH

          Đảng Cộng Sản Việt Nam thành lập vào ngày 03/02/1930. Từ đó, phong trào đấu tranh chống đế quốc và phong kiến dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng phát triển. Trong đấu tranh giành độc lập tự do, Bác Hồ và Đảng luôn quan tâm đến thế hệ trẻ vì đó là một lực lượng quan trọng trong công cuộc cách mạng cứu quốc, và chỉ một năm sau ngày thành lập, Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc thành lập tổ chức Đoàn, ngày 26/3/1931, tại Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên, tiếp theo sau đó, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng vào tháng 5/1941, Trung ương Đảng đã ra quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh đoàn kết đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.

 Ngay sau đó, vào ngày 15/5/1941 lịch sử, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, tổ chức Hội Nhi đồng Cứu quốc (nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh)  đầu tiên được thành lập với 5 đội viên là Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được bầu làm Đội trưởng, Nông Văn Thàn (tức Cao Sơn), Lý Văn Tịnh (tức Thanh Minh), Lý Thị Nì (tức Thủy Tiên), Lý Thị Xậu (tức Thanh Thủy).

           Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam sáng lập, được Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách, từ những ngày đầu thành lập, là thành viên của Mặt trận Việt Minh, Đội hoạt động theo điều lệ của Mặt trận Việt Minh với nội dung: “Dự bị giúp đánh Tây, đánh Nhật Bản cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Điều đó cho thấy, Đội luôn là tổ chức nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, là lực lượng dự bị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đội lấy 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng làm mục tiêu phấn đấu rèn luyện cho Đội viên. Đứng dưới cờ Đội quang vinh, Đội viên được phát triển mọi khả năng trong hoạt động, học tập, vui chơi, cống hiến sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

 II. ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH – 75 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

Từ ngày được thành lập đến nay, theo sự nghiệp cách mạng của Đảng và được Đoàn phụ trách, Đội càng ngày càng phát triển. Theo từng thời kỳ, Đội đã đổi tên cho phù hợp với yêu cầu của cách mạng và nguyện vọng của thiếu niên, nhi đồng như Đội Nhi đồng Cứu quốc, Đội Thiếu niên Tháng Tám, Đội Thiếu niên tiền phong Việt Nam và ngày 30/01/1970, thể theo nguyện vọng của thiếu niên, nhi đồng cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết cho Đội được mang tên Bác Hồ kính yêu: Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

Sau ngày 15/5/1941, vâng theo lời Bác dạy, cùng cha anh làm cách mạng, Đội thiếu nhi cứu quốc được thành lập ở khắp các địa phương trong cả nước. Các đội viên, thiếu nhi tích cực tham gia hoạt động cách mạng như làm liên lạc, trinh sát, bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ xóm làng, tham gia lao động tiết kiệm, xoá mù chữ... đã lập công xuất sắc như Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, Đội thiếu nhi Bát Sắt (Hà Nội), Đội Thiếu nhi Thành Huế, Đội Thiếu nhi Đồng Tháp Mười... nhiều đội viên thiếu nhi anh hùng xuất hiện như Kim Đồng, Dương Văn Nội, Phạm Ngọc Đa, Vừ A Dính... của thời kỳ chống Pháp đã trở thành những gương sáng cho các thế hệ thiếu nhi Việt Nam noi theo, làm sáng ngời trang sử của Đội Thiếu niên tiền phong.

Suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lớp lớp thiếu nhi Việt Nam ở hai miền Nam, Bắc đã góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như: Phong trào Trần Quốc Toản do Bác Hồ phát động năm 1948, phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, “Việc nhỏ, chí lớn, chống Mỹ cứu nước”, “Làm nghìn việc tốt thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy”, đã có nhiều tập thể Đội và cá nhân đội viên giành danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, nhiều đội viên thiếu niên tiền phong đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, diệt nguỵ, các anh hùng thiếu nhi quên thân mình hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xóm làng như Trần Văn Thọ, Nguyễn Bá Ngọc, Kơpa Kơlơng, Trần Văn Uẩn...

Vâng lời Bác dạy:           

“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tuỳ theo sức của mình

Để tham gia kháng chiến

Để giữ gìn hoà bình”.

Đội viên thiếu niên tiền phong và thiếu nhi Việt Nam đã không ngừng tu dưỡng và rèn luyện, tích cực xây dựng tổ chức Đội, giúp sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp cách mạng chung. Suốt những năm qua, các phong trào và hoạt động của Đội luôn gắn liền với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, gắn liền với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đội đã tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dưới sự hướng dẫn của các anh chị phụ trách, tạo cho thiếu niên nhi đồng biết vượt khó để học tập tốt, rèn luyện tốt, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, Cháu ngoan Bác Hồ, mai này trở thành người công dân mới, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.

Phong trào “Kế hoạch nhỏ” (1958) để tiết kiệm làm ra của cải vật chất như xây dựng Nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền phong (1959 đi vào hoạt động), Đoàn tàu lửa chạy trên đường sắt Thống Nhất (1979), Khách sạn Khăn quàng đỏ (1987)... và hàng nghìn công trình khác ở các địa phương đã tạo nên những cơ sở vật chất văn hóa cho thiếu nhi và xã hội. Phong trào xây dựng Hợp tác xã Măng non, lập các quỹ “Vì bạn nghèo”, “Hỗ trợ tài năng trẻ”, quỹ Vừ A Dính, Đôrêmon, Giải thưởng Kim Đồng... đã thu hút hàng tỷ đồng nhằm giúp đỡ hàng nghìn bạn có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện sinh hoạt và học tập, hoà nhập với cộng đồng. Các phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, Cháu ngoan Bác Hồ”; phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng”, “Về với cội nguồn”, “Vì điểm tựa tiền tiêu”, “áo lụa tặng bà”, “Địa chỉ nghĩa tình”... đã thu hút hàng triệu em tham gia. Thông qua các hoạt động đó, các em được tự rèn luyện và được giáo dục những truyền thống cách mạng, những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

75 năm qua, những trang vàng sử Đội và hào khí truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh mỗi ngày một sáng. Lịch sử đó, truyền thống đó gắn liền với phong trào thiếu nhi Việt Nam và là một bộ phận không thể tách rời trong lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc và lịch sử Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh... Với những cống hiến của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và thiếu niên, nhi đồng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đội (tháng 5/2001), Nhà nước ta đã quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước cho Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Thành tích đó đã đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và lớp lớp thiếu nhi Việt Nam.

Trước sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ và sự vươn mình đột phá vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển mới với 12 triệu đội viên và hơn 6 triệu nhi đồng; gần 30.000 tổng phụ trách trong các trường học, cán bộ phụ trách thiếu nhi ở địa bàn dân cư; hàng ngàn cán bộ chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên với đầy đủ năng lực hoạt động trong các cơ sở Đội, Nhà thiếu nhi, đang ngày đêm miệt mài chăm lo cho sự phát triển của thế hệ măng non đất nước.

Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho thiếu niên, nhi đồng và công tác trẻ em. Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giáo dục  lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”. Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII vừa thông qua Luật Trẻ em, trong đó có nhiều quy định, chế tài cụ thể để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đặc biệt, Luật quy định Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

Cùng với những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X về phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, đẩy mạnh cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” đã thổi không khí và sức sống mới cho các hoạt động của Đội và phong trào thiếu nhi. Đưa tinh thần Nghị quyết vào thực tiễn phong trào, công tác xây dựng Đội trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực: Đội ngũ phụ trách thiếu nhi, cán bộ Đội được tăng cường, chất lượng nội dung sinh hoạt Sao nhi đồng được cải tiến, nội dung sinh hoạt Đội được đổi mới từng bước phù hợp với nhu cầu của thiếu nhi. Hoạt động Đội trong nhà trường từng bước được củng cố và nâng cao, hoạt động thiếu nhi ở địa bàn dân cư được đẩy mạnh và nhân rộng, công tác Sao nhi đồng có những bước phát triển, công tác bồi dưỡng đội viên lớn lên Đoàn có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều phong trào, hoạt động mới đã tạo ra hiệu quả xã hội thiết thực của thiếu nhi tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy” tiếp tục là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các hoạt động của tổ chức Đội và thiếu niên, nhi đồng, thể hiện lòng biết ơn vô hạn của thiếu nhi Việt Nam với vị lãnh tụ, người cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, tạo môi trường học tập và rèn luyện, góp phần bồi dưỡng hình thành cho các em những giá trị phẩm chất tốt đẹp của người công dân mới xã hội chủ nghĩa. Chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam” đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong đội viên, thiếu niên nhi đồng và các tầng lớp nhân dân, góp phần cổ vũ các em xây dựng niềm tin, ước mơ hoài bão, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, Cháu ngoan Bác Hồ.

Vâng lời Bác Hồ dạy, phát huy truyền thống “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” các thế hệ thiếu nhi đã tích cực tham gia phong trào “Nghìn việc tốt” và đã xuất hiện những tấm gương thiếu nhi tiêu biểu, những tập thể điển hình với nhiều chiến công và thành tích vượt bậc trên tất cả các mặt học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội như: Dũng cảm cứu bạn, giúp đỡ gia đình, chăm sóc ông bà, cha mẹ; những nhà tin học nhỏ tuổi, những huy chương vàng trên lĩnh vực thể thao...

Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn trong tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa IX đã ban hành nghị quyết số 06-NQ/TWĐTN ngày 29 tháng 3 năm 2010 về tăng cường các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng. Trong hơn 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, ở các bộ Đoàn đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng. Ngày hội thiếu nhi vui, khỏe tiến bước lên Đoàn, Chương trình “Đêm hội trăng rằm”, các cuộc thi, trò chơi trực tuyến trên mạng xã hội như “Chinh phục vũ môn”, “Trạng nguyên Tiếng Việt”, “Cùng nhau giúp bạn”… được triển khai rộng khắp trên cả nước, tập hợp, thu hút đông đảo các em thiếu nhi tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh.

 III. ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH TP. HỒ CHÍ MINH – 75 MÙA HOA, ĐỘI TA LỚN LÊN CÙNG ĐẤT NƯỚC:

           * Phong trào Đội trước giải phóng:

Trải qua hơn 300 năm lịch sử, tuổi nhỏ thành phố tự hào là đã góp phần viết nên những trang sử oai hùng của Thành phố. Từ ngày có Đảng, thiếu nhi Sài Gòn – Gia Định luôn sát cánh cùng cha anh đánh đuổi kẻ thù.

Ngày 8/4/1946, em Lê Văn Tám 13 tuổi, bán lạc rang ở chợ Đa Kao đã biến thân mình thành ngọn đuốc sống làm nổ tung kho xăng đạn lớn của giặc ở Thị Nghè. Các chiến sĩ du kích nhỏ như Lê Văn Thọ (anh hùng biệt động), Phạm Văn Ry (Anh hùng biệt động), Lê Văn Giản, Út Một, Mai Văn Te… đã nhiều phen làm quân thù khiếp sợ. Chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Kim Dung (nay là cán bộ giảng dạy trường Đại học Y Dược Thành phố) thuộc đội nữ cảm tử mang tên chị Minh Khai mới 15 tuổi đã táo bạo đánh bom vào rạp hát Majestic. Trong Ban Công tác 1 (tiền thân của lực lượng biệt động Sài Gòn) còn có nhiều chiến sĩ nhỏ như em Tâm 14 tuổi từng tham gia trận đánh vào tòa soạn báo Phục Hưng phản động, hai anh em Hoàng, Hiệp từng dùng lựu đạn làm què chân tên Beziat - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nam Kỳ. Nữ sinh Quách Thị Trang đã hy sinh anh dũng giữa đường phố Sài Gòn trong cuộc biểu tình chống Mỹ Ngụy khi mới 15 tuổi. Liệt sĩ Trần Văn Chẩm 14 tuổi ở xã Phước Vĩnh An lừng danh với khẩu súng tự tạo tìm ác ôn xử tội mở đầu cho truyền thống anh hùng của thiếu nhi “Đất thép”. Đó là sự vận dụng những điều cơ bản trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi vào hoàn cảnh đấu tranh hợp pháp giữa lòng địch.

          Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều chiến sĩ nhỏ của thành phố đã hướng dẫn các đơn vị bộ đội đánh chiếm và tiếp quản các đồn bót địch. Em Phạm Phú Hữu là người treo cờ giải phóng đầu tiên trong khu vực lên cột cờ Trường Bình Lợi Trung (Bình Thạnh) vào sáng sớm 30/4/1975. Em Nguyễn Văn Dũng ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh dẫn đầu cả một “trung đội” thiếu nhi dùng mưu cướp đồn Tân Bửu rồi giao lại cho các anh bộ đội v.v…

          Suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập của cả dân tộc, tuổi nhỏ Thành phố đã có những đóng góp đáng kể, tiếp sức với cha anh viết nên những trang sử rực rỡ, tô thắm truyền thống vẻ vang của nhân dân Sài Gòn – Gia Định. Đây chính là cơ sở để phong trào thiếu nhi thành phố sau giải phóng kế thừa và phát huy mạnh mẽ. Tinh thần của những Lê Văn Tám, Trần Văn Chẩm đang được nhân ra khắp thành phố trong giai đoạn mới.

          * Phong trào Đội sau giải phóng đến nay:

           1. Giai đoạn 1975 – 1985:

          Sau đại thắng mùa Xuân 75, tuổi nhỏ thành phố nô nức cùng với cha anh tham gia các chiến dịch như: làm vệ sinh đường phố, xóm ấp, thu gom và truy quét các loại văn hóa phẩm đồi trụy, phản động. Mừng chiến thắng, trật tự giao thông. Ngay khi tiếp quản Sài Gòn, Ban Thiếu nhi Thành phố đã tập họp lực lượng, triển khai nhiều phong trào lớn. Tiêu biểu như phong trào “Ngàn hoa việc tốt dâng Đảng quang vinh” (mừng Đại hội lần thứ IV của Đảng 12/1976), một triệu học cụ vì các bạn vùng kinh tế mới (thực hiện chủ trương giãn dân sau giải phóng), Xóa nạn mù chữ (thầy giáo, cô giáo quàng khăn đỏ).

           Ngày 19/5/1975, Chi đội đầu tiên mang tên Lê Văn Tám được thành lập đến năm 1977 Đội đã phát triển ra khắp các phường xã với 74.653 đội viên và 8.353 Cháu ngoan Bác Hồ. Ngày 25/8/1976, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ thành phố lần I được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất và ngày 1-4/5/1977, Đại hội phụ trách xuất sắc thành phố lần thứ nhất được tổ chức tại Công viên Văn hóa và Liên đoàn Lao động thành phố.

           Đầu năm 1977, Báo Khăn Quàng Đỏ được thành lập và ra số đầu tiên. Đây là giai đoạn có nhiều phong trào ghi dấu ấn đội viên, thiếu nhi thành phố mà tiêu biểu là phong trào Kế hoạch nhỏ xây dựng đoàn tàu Thiếu niên Tiền phong được phát động vào ngày 19/5/1977 theo sáng kiến của Liên Đội trường cấp 2, 3 Nguyễn An Ninh, quận 10. Phong trào đã lan tỏa khắp cả nước, được Trung ương Đoàn công nhận và phát động trong toàn quốc. Các phong trào khác là: một triệu viên gạch cho Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố; làm kế hoạch nhỏ xây dựng Khách sạn Khăn quàng đỏ và công trình thủy điện Trị An; một triệu dụng cụ học tập, 120 bộ trống tặng thiếu nhi Cam-pu-chia…Vào tháng 12/1977, Đại hội Liên hoan Dũng sĩ kế hoạch nhỏ Thành phố lần thứ I tại Nhà hát Thành phố. Tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ Thành phố lần III (6/1979) Quốc hội và Chính phủ tặng huân chương Lao động hạng Ba cho Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và phong trào thiếu nhi Thành phố.

          Ngày 31/5/1985, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ chào mừng Thành phố 10 năm giải phóng được tổ chức, đồng chí Mai Chí Thọ thay mặt Thành ủy – Uỷ ban Nhân dân Thành phố tặng lá cờ truyền thống thêu 16 chữ vàng cho Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và phong trào thiếu nhi thành phố. Đó là:

 

“Hiếu học chăm làm

                                                       Đoàn kết lễ phép

 Làm đẹp thành phố

 Giúp đỡ mọi người”

        

Ngày 3/4/1986, Trường Đào tạo huấn luyện cán bộ Đội TNTP thành phố được thành lập, trước đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ đã tặng cho trường Đội thành phố 17.500 rúp (một nửa giải thưởng quốc tế Lênin “Vì sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc” để mua sắm trang thiết bị cho trường.

           2. Giai đoạn 1988 – 1999:

         Đây là giai đoạn quan trọng mang ý nghĩa lịch sử quan trọng của cả nước và thành phố, Đại hội Đảng lần VI đã chủ trương trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế với nhiều chủ trương đổi mới sâu sắc. Đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế. Tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh chuyển biến mạnh mẽ, năng động theo từng bước phát triển và sự trưởng thành vượt bật của của lực lượng phụ trách Đội. Công tác bồi dưỡng, giới thiệu đội viên trưởng thành vào Đoàn được các chi đoàn, Liên đội các Trường Trung học cơ sở quan tâm, đầu tư bằng nhiều hình thức sinh hoạt theo lứa tuổi như: câu lạc bộ tuổi 15, Tuổi hồng, Giọt mực tím… Đội viên, thiếu nhi ý thực rõ trách nhiệm và vai trò của mình bằng những việc làm cụ thể, gắn với các phong trào tiêu biểu như “Về nguồn”, “Vượt khó học giỏi”, “Giúp bạn vượt khó”, “Nụ cười trái đất”, “Khỏe vì nước”, “Vì thành phố văn minh – sạch đẹp”, “Về nguồn”, “Em yêu khoa học”. Đặc biệt, từ phong trào “Kế hoạch nhỏ” thu nhặt giấy vụn, chăn nuôi gà, trồng rau của đội viên, thiếu nhi thành phố, trường tiểu học Trần Văn Chẩm (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) đã được xây dựng và khánh thành vào ngày 09/1/1999.

           Từ mùa hè năm 1988, Trại hè Thanh Đa dành cho con em công nhân viên chức lao động được Thành Đoàn phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp tổ chức lần đầu tiên đã góp phần tạo sân chơi giao lưu, rèn luyện kỹ năng trong Hè cho các em. Từ năm 1990, các trại dã ngoại, về nguồn, đến thăm các khu căn cứ kháng chiến, các di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh bằng xe đạp bắt đầu được khởi xướng, từ ngày 28 – 31/6/1992, trại hè “Bút sáng miền Tây” được tổ chức lần đầu tiên với hơn 120 đội viên và phụ trách đạp xe đạp đến các tỉnh “Long An, Tiền Giang, Bến Tre” tham gia. Chuyến đi này đã thêm sức sống và sức hấp dẫn mới mẻ cho tổ chức Đội và phong trào thiếu nhi thành phố giai đoạn này. Vào tháng 6/1993, trại hè du khảo “Hào khí miền Đông” lần đầu tiên được tổ chức qua các tỉnh Đồng Nai – Sông Bé (Bình Dương và Bình Phước).

           Từ đợt sinh hoạt sâu rộng, “Hành trình Về quê Bác” trở thành hiện thực và được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 6/1990, 33 Cháu ngoan Bác Hồ và 21 phụ trách xuất sắc đã lên đường ra Hà Nội, Đoàn đã được Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo tiếp và nghe báo công về những thành tích mà đội viên, thiếu nhi thành phố đã đạt được trong năm học qua. Năm 1995, 60 đội viên Cháu ngoan Bác Hồ và phụ trách Đội đã có chuyến Hành trình xuyên Việt về thăm Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, dịp này tuổi nhỏ thành phố đã được gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhận được lời dặn dò ân cần: “Chú hi vọng rằng trong tương lai, nhiều cháu có mặt hôm nay sẽ quay trở lại nơi này, nhưng với cương vị là thành viên của Chính phủ!”.

           Đại hội phụ trách Đội Thành phố Hồ Chí Minh lần VI (1994 – 1998) từ ngày 25 – 27/2/1994 được tổ chức tại công viên Lê Văn Tám, Thành ủy - Ủy ban Nhân dân thành phố Hổ Chí Minh đã tặng lực lượng phụ trách Đội thành phố lá cờ truyền thống thuê 16 chữ vàng”

 

Nhiệt tình – Gương mẫu

Năng động – Sáng tạo

Giúp đỡ các em

Không ngừng tiến bộ

          Ngày 15/5/1996, kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh, thay mặt Đảng và Nhà nước, chú Phạm Chánh Trực (Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh) đã trao tặng Huân chương lao động hạng II cho tổ chức Đội và phong trào thiếu nhi thành phố.

           3. Giai đoạn 2000 – 2011:

           Trong giai đoạn này, sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân thành phố đã tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và tổ chức Đoàn – Đội: kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 50 năm xây dựng đường Trường Sơn, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 70 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh. Đặc biệt trong năm 2011, Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chọn chủ đề năm “Vì trẻ em” đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội dành cho thiếu nhi.

           Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn Thành phố lần thứ VIII và Đại hội Đoàn toàn quốc lần IX, với quan điểm Toàn Đoàn làm công tác Đội và xây dựng Đoàn từ xây dựng Đội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố đã tổ chức các phong trào thiếu nhi với các mục tiêu: tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em được học tập, vui chơi, giải trí, phát triển thể chất và trí tuệ; chú trọng đến việc phát huy nguồn lực của hệ thống Đoàn cùng xã hội chăm lo về vật chất và tinh thần cho trẻ em nghèo, trẻ chưa được đến trường; từng bước nâng cao chất lượng hoạt động Đội và khẳng định được vai trò của Đoàn trong quá trình tập hợp và giáo dục thiếu nhi, với các chương trình hoạt động nổi bật như “Nhi đồng chăm ngoan”, “Thiếu niên sẵn sàng” với 3 phong trào trọng tâm: thi đua học tốt, thi đua chăm ngoan, thi đua giúp bạn. Bắt đầu năm học 2007 – 2008, Hội đồng Đội thành phố triển khai thực hiện chương trình Thiếu nhi thành phố thi đua thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy “Thiếu nhi thành phố yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”, “Thiếu nhi thành phố học tập tốt, lao động tốt”, “Thiếu nhi thành phố đoàn kết tốt, kỷ luật tốt”, “Thiếu nhi thành phố giữ gìn vệ sinh thật tốt”, “Thiếu nhi thành phố khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

 

          Tháng 9/2001, tại Lễ phát động chủ đề năm học 2001 – 2002, thay mặt Đảng và Nhà nước, nguyên Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh đồng chí Nguyễn Minh Triết đã trao cho tổ chức Đội và phong trào thiếu nhi thành phố Huân chương lao động Hạng I. Và tại Đại hội Phụ trách Đội Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VII – tháng 11/2002, anh Đào Ngọc Dung – Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương đã trao tặng phụ trách Đội bức trướng thêu dòng chữ: “Đội ngũ luôn sẵn sàng – Vì đàn em thân yêu”. Trong Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh – 15/5/2006, Thành ủy - Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tặng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh bước trướng thêu dòng chữ:

Thiếu nhi thành phố anh hùng

Xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ

Vững bước tiến lên Đoàn

Rạng ngời trang sử Đội.

Thực hiện chương trình “Hướng về Điện Biên” nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày chiến thắng Điện Biên (7/5/1954 – 7/5/2009), thiếu nhi thành phố đã đóng góp 118 triệu để xây dựng nhà bán trú cho các bạn ở tỉnh Điện Biên. Đồng thời, đội viên thiếu nhi thành phố đã cùng nhau lập nên kỷ lục Việt Nam với “Lá cờ Đội Thiếu Niên Tiền phong Hồ Chí Minh lớn nhất Việt Nam”. Ghi dấu ấn tại Đại hội Cháu Ngoan Bác Hồ thành phố năm 2010, Đội viên thiếu nhi thành phố tiếp tục lập nên kỷ lục Việt Nam với “Đội hình nghi lễ Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh lớn nhất”.

       Năm 2011, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh, Thành ủy - Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đã tặng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh bước trướng thêu dòng chữ:

Tự hào sử Đội

Măng non sẵn sàng

Đội viên chăm ngoan

Làm theo lời Bác.

4. Giai đoạn 2012 – 2006:

Giai đoạn 2012 – 2016 diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của thành phố và đất nước, kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2015), 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015), kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2014), 55 năm ngày mở đường Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2014) và kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/52015), kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2015), kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2016) và kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2016), công tác Đội và phong trào thiếu nhi thành phố đã chuyển sang giai đoạn mới, triển khai thực hiện phong trào “Thiếu nhi thành phố làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” cụ thể hóa với 4 chương trình cụ thể “Tự hào truyền thống – Tiếp bước cha anh”, “Học tập sáng tạo – Vươn tới tương lai”, “Rèn luyện chăm ngoan – Thiếu nhi sẵn sàng”, “Làm ngàn việc tốt – Hoa thơm dâng Bác”. Bên cạnh đó, phong trào “Măng non sẵn sàng vì biển đảo quên hương”, “Vì người bạn ngoại thành”, đã phát huy tính sáng tạo, hiệu quả, tạo điểm nhấn trong hoạt động từ cấp Thành đến Liên đội trong công tác giáo dục và phát triển thiếu nhi thành phố.

 Nổi bật là “Hành trình về quê Bác”, “Hành trình Thành phố tôi yêu”, hành trình “Về với cội nguồn”, hội thi trực tuyến “Em yêu Tổ quốc Việt Nam” với những chuyến hành trình đến bảo tàng, khu di tích lịch sử của thành phố kết hợp tham quan dã ngoại, đồng thời là giải pháp mới trong việc thực hiện chương trình rèn luyện đội viên trong tình hình mới và tạo không khí sôi nổi thi đua học tập môn lịch sử trong thiếu nhi thành phố.

 Gắn với các đợt sinh hoạt truyền thống, Hội đồng Đội thành phố đã triển khai sinh hoạt chủ điểm “Noi gương anh Lý Tự Trọng”, “Em yêu chú bộ đội Cụ Hồ”, “Đội ta lớn lên cùng đất nước”, “Vững bước tiến lên Đoàn”, “Rạng ngời trang sử Đội” qua đó tạo đợt sinh hoạt sâu rộng trong đội viên, nhi đồng về truyền thống yêu nước, niềm tin vào cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ thanh thiếu nhi đi trước đã chọn.

 Trong phong trào học tập sáng tạo, như “Hành trình khám phá tri thức”, ngày hội “Khoa học với đời sống”, Hội thi “Tin học trẻ”, Hội thi “Sáng tạo thanh thiếu nhi” đã góp phần xây dựng và củng cố hoạt động câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ kỹ năng, câu lạc bộ sáng tạo trẻ và các câu lạc bộ môn học góp phần phát huy năng khiếu, sở trường và nâng cao chất lượng học tập của các em đội viên, học sinh.

Các mô hình dành cho thiếu nhi như: “Hội trại du khảo Bút sáng miền Tây”, “Hội thi Chỉ huy Đội giỏi”, Hội trại sáng tác “Ước mơ hồng” đã vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn của Ban Thường vụ Thành Đoàn trao tặng.

 Nổi bật trong giai đoạn, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 47/KH-ĐTN ngày 28/6/2013 về việc thực hiện Chỉ thị số 20- CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị và chỉ thị 06- CT/TU ngày 03/8/2012 của Ban thường vụ Thành ủy; kế hoạch 2118/KH-UBND ngày 08/5/2013 của Ủy ban Nhân dân thành phố về “Tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và xây dựng, phát huy vai trò của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh thành phố”, góp phần phát huy sức mạnh toàn xã hội công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và xây dựng, phát huy vai trò của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và phong trào thiếu nhi thành phố. Định kỳ hàng năm, tham mưu lãnh đạo thành phố tổ chức “Chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với các em đội viên, thiếu nhi”

 Đội ngũ phụ trách Đội được quan tâm, đầu tư công tác đào tạo, chuẩn hóa theo quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 04/12/2015 của Uỷ ban Nhân dân thành phố v/v Ban hành Quy định về chức danh và chế độ, chính sách đối với Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh trong các trường Tiểu học, Trung học cơ sở. Hội thi Phụ trách Đội giỏi– “Olympic Cánh én” được duy trì tổ chức 02 năm/lần tiếp tục khẳng định là sân chơi bổ ích, rèn luyện kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm và biểu dương lực lượng phụ trách Đội giỏi trong toàn thành phố.

 Trong giai đoạn qua, công tác phối hợp với các Ban ngành, Đoàn thể, phát huy nguồn lực xã hội chăm lo cho trẻ em được quan tâm thực hiện, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng các công trình, sân chơi, khu vui chơi dành cho thiếu nhi vùng sâu, thiếu nhi khu vực ngoại thành. Với phương châm “Toàn Đoàn làm công tác Đội” thực hiện cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”, phát huy các đơn vị cơ sở Đoàn khu vực Trường học và Công nhân lao động gắn kết hỗ trợ chăm lo cho một số trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông ở địa bàn khó khăn.

 Bảy mươi lăm năm ghi dấu một chặng đường phát triển và trưởng thành của tổ chức Đội với lớp lớp các thế hệ đội viên đã trở thành những nhà lãnh đạo, những công dân ưu tú của xã hội, những tiến sỹ, kỹ sư, bác sỹ, những nhà khoa học, thầy cô giáo, những công nhân có bàn tay vàng… Hôm nay đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt của Đoàn và sự chăm lo của toàn xã hội, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đang có những thuận lợi, thời cơ mới để tiếp bước cha anh rèn đức, luyện tài, xây dựng tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh  ngày càng vững mạnh.

 Đội viên, thiếu niên, nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn khắc ghi: “Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại, Sẵn sàng!”./.

 

 

Tin tức mới

Phim tư liệu

Phim tư liệu về ngày thành lập Đoàn

Hình Ảnh

Ra quân các chiến dịch tình nguyện hè 2016 Tổng kết CDTN Hoa phượng đỏ Phổ cập bơi dành cho thiếu nhi Trại rèn luyện bậc 1

Mạng xã hội